Case study này dành cho bạn nào mới đi làm, muốn gây ấn tượng với cấp trên; bạn nào muốn được các sếp để ý đến và thăng tiến trong công việc.
Thank you for reading this post, don't forget to subscribe!Trong số bạn bè của Hoàng Đông BM, có một cậu em làm mình vô cùng ấn tượng với cách em ấy gây ấn tượng với quản lý, cấp trên (nói chung là sếp) để đạt được các mục tiêu trong công việc. Và cậu ấy làm việc này với sự chân thành chứ không phải là phông bạt.
Đó là Bình, người con quê hương Nghệ An, giờ đang sinh sống và làm việc bên Hungary.
Hồi còn ở Việt Nam, sau khi tốt nghiệp Bình đi xin vào làm một nhà hàng lẩu nướng tại Hà Nội. Mục tiêu vào đây để học hỏi mô hình về sau tự mở kinh doanh riêng.
Xuất phát điểm là một nhân viên phục vụ: nhận order của khách, bưng bê, dọn dẹp khi khách ăn xong. Sau nửa năm đã lên làm quản lý (thay cho quản lý của quán bấy giờ, bằng Đại học và đi làm đúng chuyên ngành).
Bình đã làm thế nào để leo từ nhân viên chạy bàn lên quản lý Nhà hàng?
Đầu tiên, cậu ấy gây ấn tượng bằng cách đi làm chuẩn chỉ giờ giấc. Trong quá trình làm luôn sát sao và làm hết sức trong công việc mình được giao. Ghi điểm lần 1!
Tiếp theo, cậu ấy nhận ra khu WC của nhà hàng là khu bẩn nhất, nhưng cũng là khu quan trọng nhất trong tạo thiện cảm với khách hàng khi đến ăn.
Mà khu này thì “cha chung không ai khóc” chẳng ai dọn dẹp, mà có dọn dẹp cũng qua loa đại khái, dần dà theo năm tháng nó cáu bẩn, uế vàng, mùi khai nồng khó chịu.
Rồi đến một hôm, Bình quyết định đến sớm cọ sạch WC. Làm cho nó sạch ngoài mức tưởng tượng của chủ nhà hàng.
Sau đó, ông chủ hỏi mọi người là ai cọ WC mà sạch thế? mọi người đều trả lời là Bình cọ đấy. Ghi điểm lần 2!
Thêm nữa, vì có vài tài lẻ liên quan đến mạng internet, máy tính, camera, phần mềm,… xử lý một vài ca hóc búa ở cửa hàng mà Bình được chủ nhà hàng tin tưởng giao cho thu tiền của khách và vẫn duy trì công việc chạy bàn của mình.
Nhưng trong tâm trí Bình chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ mãi là thằng phục vụ chạy bàn ở đây, hằng ngày đi làm vẫn luôn chuẩn chỉ, quan sát cách vận hành của nhà hàng, xây dựng mối quan hệ, giúp đỡ đồng nghiệp.
Đến một ngày, quản lý cửa hàng bất đồng với chủ và bị đuổi việc. Thì lúc đó, Bình chính là người được lựa chọn lên quản lý nhà hàng.
Lúc này, dựa vào những quan sát từ trước, có nhiều thứ mà quản lý trước không làm, làm chưa tốt (theo góc nhìn của Bình), Bình tối ưu lại và mọi thứ đều tốt lên.
Bình quan tâm từ nhân viên rửa bát, nhân viên phục vụ, bảo vệ; đảm bảo quyền lợi cho họ khi làm ở đây.
Với thiện cảm từ trước với Bình (khi còn làm phục vụ), giờ Bình làm quản lý mọi người đều rất ủng hộ và đi theo. Dẫn đến nhà hàng vận hành càng trơn tru, kết quả kinh doanh ngày càng tốt và Bình được chủ nhà hàng tin tưởng.
Một ngày cuối năm khi dọn dẹp nhà hàng trước khi về quê ăn Tết, Bình là người ở lại sau cùng quét dọn. Vô tình trong một góc tối ít người đi đến có một cục tiền (khoảng 100 triệu), Bình đã trung thực đưa lại chủ quán và không biết là chủ thử hay là vô tình làm rơi mà không biết.
Sau Tết đó, Bình được giao cả nhà hàng cho quản lý, thu chi trong cả tháng sếp đi du lịch nước ngoài. Và thu nhập được tăng lên đáng kể vì Bình xứng đáng.
Đó là câu chuyện từ một nhân viên chạy bàn lên quản lý nhà hàng tại Việt Nam bằng sự chân thành vì người khác, trung thực, tinh tế quan sát và gây ấn tượng tốt với sếp.
Thế tại nước ngoài cách làm này có phù hợp?
Sau khi làm quản lý nhà hàng một thời gian, Bình có mục tiêu tài chính cao hơn và đã quyết định dừng công việc tại nhà hàng và sang Châu Âu làm việc. Hiện tại, Bình đang ở thành phố Budapest, Hungary.
Bình đi Hungary làm việc theo diện lao động phổ thông (vì chưa thông thông thạo ngoại ngữ, bằng cấp ở Việt Nam chưa được công nhận tại Hungary,…).
Công việc đầu tiên của Bình tại Hungary là nhân viên phụ bếp!
Phụ trách việc ướp các loại thịt, nhặt rau,… trong một căn phòng kín. Tương tác với khu bếp nấu chỉ qua một cửa sổ nhỏ.
Hằng ngày đi làm, Bình vẫn rất chăm chỉ như hồi còn làm nhà hàng ở Việt Nam.
Nhưng làm việc trong khu này lương vừa thấp và không có khả năng thăng tiến được. Sau một thời gian quan sát, mục tiêu của Bình là được lên khu bếp nấu.
Khi mục tiêu đã được thiết lập, Bình bắt đầu tranh thủ những lúc rảnh chạy lên khu bếp phụ đồng nghiệp dọn dẹp, rửa bát. Có lần, tắc cống thoát nước mà nhân sự khu bếp không xử lý triệt để. Bình đã nằm bò xuống sàn móc rác, sửa dứt điểm tình trạng đó trong sự trầm trồ của những người bản địa.
Đồng nghiệp thấy có một “thằng cu” người Việt mới sang đất nước mình lao động, chăm chỉ, lại hay giúp đỡ việc lặt vặt nên có thiện cảm và rất quý Bình.
Khi đã có thiện cảm, Bình đề xuất quản lý cửa hàng được lên khu rửa bát làm việc và được đồng ý.
Ở đây, thu nhập không khác gì lúc làm ướp thịt.
Trong quá trình rửa bát, Bình đã quan sát trong nhà hàng xem khu vực nào trong nhà hàng này mang về doanh thu cao nhất? Vì Bình tư duy, nếu công việc của mình trong khu vực mang về doanh thu lớn nhất cho nhà hàng thì thu nhập của bản thân cũng có cơ sở để tăng lương.
Sau một thời gian “quan sát, phân tích, đúc kết” thì Bình nhận ra quầy bánh pizza chính là bộ phận mang về doanh thu lớn nhất cho nhà hàng (Mỗi ngày bán gần 200 triệu tiền pizza).
Thế nhưng, để ra đó làm quả thật là rất khó vì: Bình chưa biết nghề làm bánh pizza, chưa biết nhiều tiếng vì mới sang được mấy tháng.
Nhưng cái khó ló cái khôn, Bình nhận thấy có mấy điểm mà có thể tiếp cận được quầy bánh pizza và nhân sự của quầy này:
- Nhân viên làm bánh pizza thường rất bừa bộn, vứt đĩa, chậu rất bừa bãi. Mỗi lần rảnh Bình đều lên đây thu bát, đĩa,… dọn dẹp sạch sẽ khu làm bánh pizza.
- Mỗi ngày, nhà cung cấp bột bánh, nguyên liệu làm bánh đến là nhân viên trong quầy phải tự bê vào. Bình đến bảo “mỗi khi có bột đến cứ để tao bê vào cho“, thế là cả đám nhân viên quầy pizza sướng hơn “bắt được vàng” vì có một thằng ngu nó bê giúp mình.
- Rồi Bình phụ lặn bánh, làm bột,… vô tình Bình học được nghề làm bánh. (Với kinh nghiệm làm nhà hàng Việt Nam nên Bình học hỏi khá nhanh).
Và những hành động này đã tạo được thiện cảm rất lớn, Bình có thể lên quầy pizza chơi bất cứ khi nào, ai cũng quý Bình.
Lúc đó, Bình nhờ đồng nghiệp xin quản lý cho lên làm ở quầy bánh pizza mà chỉ nhận lương của nhân viên rửa bát.
Quản lý nhà hàng đồng ý ngay. Vì quầy bánh pizza là nơi mang về nhiều doanh thu nhất, thêm nhân sự càng phục vụ được nhiều người hơn, mà chi phí trả lương vẫn vậy (vẫn trả lương của nhân viên rửa bát).
Làm quầy pizza một thời gian, khi đã “đủ lông, đủ cánh” Bình “tâm sự” với đồng nghiệp về việc những đồng hương Việt Nam sang cùng đợt nó cũng làm pizza mà lương nó cao quá, còn tao thì vẫn vậy. Với mục đích nhờ đồng nghiệp tác động lên quản lý, chủ nhà hàng tăng lương.
Và đương nhiên, Bình đã đạt được mục đích bằng cách làm này. Bình đã được tăng lương 2 lần. Cao gấp 2 lần lương khi mới từ Việt Nam sang.
Ngoài ra, khi đã có nghề làm bánh pizza trong tay. Những ngày nghỉ, Bình đi làm tại nhà hàng khác và lương/ngày cao hơn nhiều lần so với lương đang nhận ở quầy pizza.
Thật là quá đỉnh phải không các bạn?
Làm cái gì cũng được, bạn muốn được sếp chú ý, muốn được tăng lương. Bạn cần phải có:
- Mục tiêu: Bạn muốn gây ấn tượng? muốn được chú ý? muốn được tăng lương?…
- Quan sát, phân tích, đúc kết: xem có chỗ nào có thể cải tiến không?
- Lao động chăm chỉ.
- Chân thành, trung thực: Đừng có dùng bài, chơi triêu làm gì. Vì nếu bạn không chân thành dần dần người ta sẽ nhận ra bạn thôi.
Bạn sẽ nhận được thành quả xứng đáng!